Đạo diễn Kim Ki Duk trước khi qua đời đã để lại gia tài 33 bộ phim xuất sắc cho công chúng. Trong đó, ‘Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân’ vinh dự là bộ phim duy nhất của ông lọt top 100 bộ phim hay nhất thế kỷ 21 do nhà đài BBC (British Broadcasting Corporation) tổ chức bình chọn lấy ý kiến từ 177 nhà phê bình điện ảnh khắp thế giới.
Là một người đến với điện ảnh qua con đường tự học. Các tác phẩm của đạo diễn Kim Ki Duk không bị bó buộc với những lề luật mà có một sự tự do, phóng túng khi đề cập đến những bản chất trần trụi nhất của con người. Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân từng bị chỉ trích bởi những cảnh quay táo bạo khác biệt với sự cung kính của những phim cùng đề tài. Thậm chí còn bị chỉ trích là hạ thấp Phật giáo thay vì tôn vinh. Hình ảnh những vị tu sĩ Phật giáo được khắc họa không hề khô cứng như những pho tượng, mà là những con người sống động với đầy đủ mọi sắc thái hỉ nộ ái ố.
Với cả khán giả đại chúng lẫn giới hàn lâm. Đây là một bộ phim rất đời truyền tải một cách cô đọng, súc tích những giáo lý căn bản nhất, nhập ngôn nhất của tôn giáo đậm tính từ bi này.
Đối với tôi, bộ phim này như giống như một thuốc diệu quý, để càng lâu, càng xem lại nhiều lần càng nhận ra nhiều ẩn dụ khiến phim sâu sắc hơn. Từ đó mà có động lực để thoát khỏi vô minh.
Trước khi đi sâu vào bộ phim, chúng ta hãy hiểu sơ bộ về cha đẻ của bộ phim Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân.
Đạo diễn Kim Ki Duk được mệnh danh là một quái kiệt của điện ảnh Hàn Quốc nói chung và cả thế giới nói riêng. Các tác phẩm phim của ông không ngại ngần phô bày bản chất con người bằng một phương thức kể truyện bạo liệt nhất. Vì lẽ đó, phim của ông tuy có thể đạt được nhiều thành tích trên các sân chơi điện ảnh hàn lâm tầm cỡ trên thế giới nhưng lại khó lòng chiếm được cảm tình của khán giả đại chúng. Không hiếm trường hợp khán giả phải bỏ về khi phim đang chiếu giữa chừng vì bị sốc bởi những cảnh bạo lực và tình dục cực đoan. Tuy nhiên, khác với phần lớn các bộ phim còn lại của ông. Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân có thể nói là tác phẩm hướng đến chúng sinh nhiều nhất mà vị đạo diễn này từng thực hiện. Phim có một cốt truyện đơn giản được kể tuyến tính, không đánh đố hay thử thách sức chịu đựng của người xem. Thay vào đó, vị đạo diễn tập trung truyền tải tư tưởng chủ đề bằng ngôn ngữ điện ảnh thông qua các khung hình giàu tầng lớp ý nghĩa. Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân được ví như một bài kinh Bát Nhã Ba La Mật được viết bằng hình ảnh. Phim đã được truyền tải các giáo lý căn bản về Phật học. Tuy vậy, với cả một khán giả đại chúng không quen thuộc với triết học Phật giáo, không hiểu hết những tầng nghĩa đó thì phim vẫn là một trải nghiệm dễ chịu, gần gũi với cuộc sống của mỗi con người.
Bộ phim được chia thành năm giai đoạn của cuộc đời, của chú tiểu và vị sư già ứng với mỗi mùa trong tiêu đề phim. Hai thầy trò sống cùng nhau trong một ngôi chùa nhỏ ở giữa một cái hồ được bao quanh bởi khung cảnh núi non thanh bình. Bối cảnh phim ngay lập tức đã thể hiện tinh thần Phật giáo của tác phẩm. Một khi chọn con đường xuất gia là tự tách mình ra khỏi con đường của dòng chảy thế tục, nếu không nói là đi ngược lại với con đường mà phần đông con người trong xã hội đang theo đuổi.
XUÂN
Mở đầu của tác phẩm cũng là mở đầu của mùa xuân đầu tiên. Ở phía bên kia của cánh cổng lại được vẽ hai vị Bồ Tát ẩn dụ cho việc đây là ranh giới giữa cõi thế tục và chốn tịch tu. Hình ảnh cánh cửa không có tường một lần nữa được lặp lại bên trong ngôi chùa. Ở hồi một phim chủ yếu mô tả cuộc sống thanh bình, thường nhật của hai thầy trò. Trên sân chùa có một con chó con, sự ngây thơ và hiếu động của nó có thể khiến ta nghĩ ngay đến chú tiểu. Vị sư phụ dùng một chiếc thuyền chở chú tiểu vào bờ hái lá thuốc. Cuộc sống vẫn tiếp diễn như thế cho đến một ngày, ở một con lạch nhỏ, chú tiểu đã lấy đá buộc vào các con vật nhỏ khiến chúng bị mắc kẹt. Còn cậu thì lại cười cợt chúng. Vị sư phụ lặng lẽ quan sát nhưng không ngăn cản. Đêm đó, ông buộc một tảng đá lớn vào lưng cậu, bắt cậu phải đi giải thoát cho những con vật tội nghiệp kia. Chú tiểu quay lại nơi hôm qua mình đã làm việc ác và oà khóc nức nở khi nhận ra rằng, một vài con vật đã chết. Thông qua các trường đoạn này, đạo diễn đã tập trung vào câu hỏi lớn thứ nhất:
“Cái ác từ đâu sinh ra?”
Với Mạnh Tử, ông cho rằng, “nhân chi sơ tính bản thiện.” Tạm hiểu là tính thiện có sẵn trong mỗi con người. Hay theo Tuân Tử thì, “nhân chi sơ tính bản ác.” Nghĩa là, con người sinh ra vốn dĩ đã ác. Nhưng Phật giáo lại mang đến một tư tưởng khác cho rằng, con người ta sinh ra không có sẵn thiện tính hay ác tính. Nếu chú tiểu thực sự ác bẩm sinh thì đã không khóc khi nhìn thấy cái chết của những con vật vô tội. Việc ác của một chú bé xuất phát từ việc thiếu nhận thức về hậu quả mà mình sẽ gây ra.
Sự thiếu nhận thức này trong đạo Phật tạm hiểu là vô minh. Vô minh được xem là gốc của mọi sự bất thiện, và là đặc tính của cái khổ. Sự hối hận từ tâm can mới chính là hình phạt lớn nhất mà một con người phải gánh chịu. Như cách vị sư phụ đã nói: “nếu một trong các con vật đó chết, con phải chịu sự dằn vặt suốt cuộc đời.” Hòn đá chính là gánh nặng lương tâm mà mỗi người phải mang thông qua việc phải để bản thân tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Vị sư phụ đã khơi gợi một cách tự nhiên thiện tính bên trong chú tiểu. Như vậy, hồi một của bộ phim đã làm rõ bản chất và nguyên nhân của cái ác theo quan niệm của Phật giáo.
HẠ
Và mùa hạ tới. Giờ đây, chú tiểu nhỏ đã trở thành một thanh niên phổng phao. Anh bắt đầu chú ý tới những hành vi giao phối của các động vật xung quanh mình như báo hiệu rằng, anh đã bắt đầu có những tò mò về xác thịt ban sơ. Sự xuất hiện của hai mẹ con cô gái bị bệnh đánh dấu lần đầu tiên tiếp xúc với những cô gái của vị sư trẻ. Lúc này, trên sân chùa không còn chú chó con. Thay vào đó, là một con gà trống. Đây là sự hiện thân khao khát và dục vọng của một người đàn ông trưởng thành.
Từ khi cô gái được mẹ đưa tới đây để nhờ cậy sư phụ chữa căn bệnh lạ. Vị sư trẻ không ngày nào được bình yên. Anh ta liên tục rơi xuống nước như là, rơi vào lưới tình vậy. Những chi tiết ẩn dụ cho sự rạo rực bản năng còn được cài cắm nhẹ nhàng trong hình ảnh cối giã thuốc hay việc vị sư trẻ chèo thuyền như để khoe mẻ. Cuối cùng sau một thời gian tiếp xúc và nảy nở tình cảm. Đôi trẻ cũng đã ân ái với nhau sau lưng vị sư già. Tình cảm của họ giống như đôi cá bơi trong chiếc giày, chỉ biết lao vào nhau mà không nhìn thấy một điều gì khác. Ái, tình, lục, dục không phải là lẽ bất biến. Nó đến rồi lại đi giống như những chữ viết bằng nước trên gối của người thầy. Vị sư phụ hiểu được điều này. Nhưng người đồ đệ của ông thì không.
Trở lại với chiếc cửa không tường đã xuất hiện từ hồi một của bộ phim. Hai thầy trò vẫn luôn giữ đúng quy tắc đi qua cánh cửa này như thể ở đó thực sự có một bức tường. Tường ở đây ẩn dụ cho Pháp, còn cửa là Giới. Hiểu nôm na Pháp chính là lí do tại sao bạn phải dừng xe khi gặp đèn đỏ, còn Giới là luật giao thông đường bộ.
Luật lệ có thể đặt ra những giới hạn vô cùng hà khắc. Nhưng chúng chỉ có ý nghĩa khi người ta thực sự thấu hiểu bản chất của chúng. Nếu không, lách luật là một chuyện rất dễ dàng. Trong giáo dục người ta cũng đề cao việc lí giải cặn kẽ bản chất và hậu quả khi vượt quá giới hạn hơn là đưa ra sự trừng phạt.
Khi vị sư trẻ đắm chìm trong tình yêu, trong lòng không còn Pháp nữa, giới luật cũng trở nên vô nghĩa. Anh đã không còn giữ lại quy tắc được dạy từ nhỏ mà cứ thế bước qua bức tường vô hình. Chẳng bao lâu, vị sư già đã phát hiện ra mối quan hệ của đôi trẻ. Ông không những không tức giận, mà chỉ cho rằng, đó là bản năng tự nhiên của con người rồi đuổi cô gái đi. Người đồ đệ không chấp nhận việc phải rời xa người yêu đã bị sư phụ cảnh báo: “Ham muốn sinh ra chiếm hữu, chiếm hữu sinh ra cái ác.” Đây là phân đoạn phản ánh giáo lý Tứ Diệu Đế, là cốt lõi quan trọng nhất, và thuần tuý nhất của Đạo Phật.
Tứ Diệu Đế là lí luận của Phật Thích Ca về cái khổ. Hai trong tám cái khổ đã được phim đề cập đến chính là: “Ái, Biệt, Ly, Khổ nghĩa là yêu thương nhưng phải xa cách – Và Sở Cầu Bất Đắc Khổ nghĩa là ham muốn nhưng không được sở hữu đều là nguyên nhân dẫn đến nỗi đau đớn, khổ tâm.” Tuy nhiên, ham muốn nhưng không được sở hữu sẽ dẫn đến mong muốn chiếm đoạt, đó chính là mầm mống sinh ra cái ác. Vị sư trẻ đã không hiểu được triết lý này. Thế nên đã bỏ thầy để đi theo cô gái mình yêu và mang theo con gà cùng một tượng phật. Về sau… cuộc đời anh đã ứng nghiệm với lời tiên tri của thầy mình.
THU
Nhiều năm sau… vị sư già vẫn sống một mình cùng một con mèo trong ngôi chùa ngày nào. Trong tín ngưỡng dân gian của Hàn Quốc mèo là con vật xua đuổi tà ma. Vào một ngày thu… ông tình cờ đọc được tin tức khi người đồ đệ đang bị truy nã vì tội giết vợ. Chẳng bao lâu sau anh ta trở về mang theo bức tượng phật, con dao tang vật và một nỗi phẫn uất khi bị vợ phản bội.
Tương tự với hồi hai của phim, người đàn ông vẫn ngập trong nước. Nhưng lần này nước không còn là ái tình, mà trở thành sự căm hận nhấn chìm lí trí. Ở đây, phim một lần nữa nhấn mạnh đến hậu quả của Sở Cầu Bất Đắc Khổ. Ham muốn nhưng không sở hữu được đã khiến người đàn ông ra tay sát hại để người vợ không thể thuộc về một người khác. Không vượt qua được sự tuyệt vọng. Anh ta dán lên mặt những mẫu giấy viết chữ Bế để tự sát. Bế là chữ Hán có nghĩa “đóng lại”.
Tuy đóng chặt mắt, mũi, miệng là nơi tập trung các giác quan cảm nhận cuộc sống. Nhưng người đàn ông vẫn không thể đóng được tâm của mình. Sư thầy kịp thời phát hiện và dùng đòn roi để thức tỉnh đồ đệ. Ông hiểu được rằng, ông cứu được mạng nhưng vẫn chưa cứu được tâm anh. Ông bế con mèo lấy đuôi chấm mực viết kinh Bát Nhã lên sàn gỗ sân chùa và yêu cầu người đồ đệ hãy dùng dao để khắc lại những chữ mình viết như để trút bỏ sự tức giận ra ngoài. Trong lúc đó, hai viên cảnh sát đến để bắt giữ người đồ đệ nhưng đã được sư phụ xin cho anh ta đang làm việc dở dang. Những nét khắc đầu tiên còn chất chứa những oán hận cay đắng bao nhiêu thì càng về sau, càng nhẹ nhàng, thanh thản bấy nhiêu. Việc khắc lên lớp mực đen để lộ ra lớp gỗ trắng bên dưới cũng mang ý nghĩa gột bỏ sai lầm của bản thân. Vị sư phụ và hai viên cảnh sát dùng màu tươi sáng tô lên những nét khắc đó ẩn dụ cho việc giúp vị đồ đệ làm lại một cuộc đời mới.
Có thể thấy, việc giúp đỡ của người khác chỉ có thể xảy đến khi bản thân ta tự cố gắng trước. Khi tỉnh dậy nhìn thấy cảnh vật yên tĩnh như chưa từng xảy ra chuyện gì. Anh ta mới hiểu… cái phi ngã của vạn vật và từ đó bớt khổ đau.
Xong việc, người đồ đệ quy thuận theo hai viên cảnh sát trở vào bờ lĩnh án, nhưng mãi mà thuyền không thể rời khỏi bờ được chính là do sự quyến luyến mà người thầy dành cho người đồ đệ mà mình xem như con. Sau khi đồ đệ đi khỏi. Vị sư phụ đã chất củi lên thuyền dán mắt, mũi, miệng bằng những mảnh giấy có chữ Bế như cách đồ đệ đã làm rồi tự thiêu. Có thể thấy vị sư già đã khóc minh chứng cho việc ông chưa buông bỏ được tình cảm của bản thân mình. Vẫn bị Ái, Biệt, Ly, Khổ làm vướng bận tâm can chưa thể chạm đến cõi Niết Bàn. Cõi Niết Bàn là mục đích sau cùng của mỗi tu sĩ Phật giáo, là trạng thái bình lặng tuyệt đối, không còn phiền não, bước ra khỏi luân hồi. Sau khi ông mất, từ thuyền bơi ra một con rắn. Ta có thể hiểu, là do ông đã đầu thai chuyển kiếp mà thành.
ĐÔNG
Vào một ngày đông, người đồ đệ nay đã ở tuổi trung niên trở về sau khoảng thời gian chịu án. Nhận ra thầy đã viên tịch. Anh đã nhặt lại những phần thân thể còn sót lại của thầy gói trong miếng vải đỏ và đặt vào vị trí con mắt trí tuệ trên một bức tượng phật bằng băng anh đã tự làm. Sau đó, vị sư dành toàn bộ thời gian để luyện võ dưới sự giám sát của người đã khuất như một cách để tịnh tâm.
Tuy nhiên, mọi chuyện không dừng lại ở đó. Một người phụ nữ quấn khăn kín mít, bế một đứa con trai còn nhỏ đến ngôi chùa vị sư đang ở. Người mẹ để lại đứa con rồi bỏ đi. Nhưng khi đi trên mặt băng, cô bị rơi xuống và chết đuối trong hố băng do chính vị sư đào lên lúc đó để rửa mặt. Khán giả không biết được gương mặt thật sự của người này như một cách ngăn cản việc đánh giá con người cô ấy.
Sáng hôm sau, vị sư phát hiện cái chết của người phụ nữ là do mình gián tiếp gây ra. Anh ta hiểu rằng… quãng thời gian tù tội vừa qua là chưa đủ để bản thân chuộc lại tội lỗi mà mình đã gây ra. Anh vẫn phải gánh chịu sự dằn vặt như một hình phạt lớn nhất của lương tâm mình.
Lúc này, tượng phật bằng băng có xá lợi để gửi thầy đã tan ra thành nước và trôi đi. Nó hàm ý vị sư đã có thể sống mà không cần phải dựa dẫm vào thầy mình nữa. Anh buộc bản thân mình vào một tảng đá lớn như cái cách anh từng hại chết các con vật ngày còn nhỏ, ôm một tượng phật bằng đồng rồi đi lên đỉnh núi để chuộc tội. Dáng vẻ của bức tượng này mang nét nữ tính liên tưởng đến cái chết của những người phụ nữ mà anh đã trực tiếp và gián tiếp gây ra. Và cũng để thể hiện trong quan niệm của Phật giáo, phật tính có sẵn trong phụ nữ. Lên đến đỉnh núi vị sư nhìn xuống ngôi chùa nơi đã xảy ra những sự thay đổi nhận thức lớn trong đời mình. Bây giờ nó chỉ nhỏ như một con mắt, ý chỉ những sóng gió trong cuộc đời mỗi con người rồi sẽ trôi qua và trở thành hư không vào một ngày nào đó…
Rồi lại Xuân
Một mùa xuân nữa lại đến… đứa trẻ mà người phụ nữ để lại giờ đã lớn bằng vị sư ngày nhỏ. Còn vị sư bây giờ đã thay thế vị trí của thầy mình. Đứa trẻ mang diện mạo và tâm tính giống vị sư như đúc lại bắt đầu một vòng tuần hoàn cuộc đời mới. Hồi cuối cùng của phim cho khán giả nhiều gợi ý về những gì đã diễn ra trước bộ phim và diễn ra sau khi phim kết thúc. Có thể trước khi trở thành một người thông thái và bình tâm như ta vẫn thấy, vị sư già đã từng có một cuộc đời với đủ các cung bậc cảm xúc thăng hoa cũng như cay đắng giống người đồ đệ của mình. Và sau này, chú tiểu nhỏ cũng có thể phải trải qua những gì người thầy mình đã từng. Người đi trước chỉ dạy cho người đi sau nhưng tuyệt nhiên không can dự vào những quyết định riêng của hậu bối dẫu biết bi kịch có thể sẽ xảy ra. Vì chỉ khi có khổ đau thì mới có động lực để con người thoát khỏi vô minh. Chỉ khi thực sự thoát khỏi vô minh, con người mới làm chủ chính mình và đạt được giác ngộ.
Phim gắn liền với hình ảnh mặt hồ và cái thuyền. Ở bốn hồi đầu, hồ nước thể hiện cho trạng thái tâm lý của vị sư trẻ, mùa xuân thì tĩnh lặng, mùa hạ xáo động với ái tình lục dục, mùa thu nước chảy siết tương đồng với sự phẫn uất, đến mùa đông mặt hồ đóng băng lại như mọi sự tham ái, sân hận và si mê của vị sư cũng đóng lại từ đây.
Chiếc thuyền cũng gắn liền với sự phát triển nhận thức của nhân vật. Mùa xuân lúc còn là một chú tiểu, chiếc thuyền với anh chỉ đơn giản là sự di chuyển. Mùa hè khi đã bắt đầu động tâm, chiếc thuyền là cách để anh ta thể hiện bản thân, và là nơi anh ân ái. Mùa thu, chiếc thuyền là vật giúp anh chạy trốn khỏi lệnh truy nã, cũng như chạy trốn khỏi trách nhiệm và khổ đau. Đến khi đã hiểu ra tính vô thường của cuộc sống, trở về bằng một nhận thức chín chắn và trưởng thành. Lúc này, anh không cần đến chiếc thuyền nữa mà tự mình đi trên mặt hồ đóng băng. Như Đức Phật đã từng khẳng định, chánh Pháp là con thuyền đưa chúng sinh thoát khổ. Vị sư trẻ cuối cùng đã sang được hồ bên kia. Vì thế không còn cần đến thuyền nữa.
Tác giả: Herbal Essence
Biên tập: THĐP