Sách “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” là những mảnh ký ức của tác giả Nguyễn Thái Long về một giai đoạn lịch sử – 12 ngày đêm máu lửa trên đèo Khau Chỉa, Cao Bằng.
“Có bao nhiêu đồng đội xưa không ngủ được đêm nay? / Đêm của bốn mươi năm về trước / Súng giương lê giữ chốt biên thùy / Bàn tay vuốt mắt cho người bạn hy sinh”. Đó là một đoạn trích bài Đêm trắng 17 tháng 2 trong sách Tiếng vọng đèo Khau Chỉa của Nguyễn Thái Long.
Tác giả Nguyễn Thái Long là người đã trực tiếp chiến đấu trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc trong mười năm 1979-1989. Khắc khoải với ký ức nơi đèo Khau Chỉa, những chiến công cùng những hy sinh oanh liệt vào mùa xuân hơn 40 năm trước, mỗi dịp 17/2, người lính cầm súng bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc ngày nào lại thao thức, mất ngủ.
Sáng 12/2, tác giả Nguyễn Thái Long, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, PGS Lê Văn Cương cùng nhiều cựu binh trong trận chiến tại đèo Khau Chỉa đã có buổi giao lưu, chia sẻ xoay quanh câu chuyện lịch sử nơi đèo Khau Chỉa.
Nén tâm nhang cho những người đã ngã xuống
Ông Nguyễn Thái Long kể rằng từ lâu, ông đã đau đáu muốn đi thăm mặt trận. Khi đã liên lạc được với đồng đội xưa, năm 2018, họ tụ họp, ôn lại kỷ niệm. Vị cựu binh chia sẻ: “Ngày 17/2/2019 ở Cao Bằng, chính trận địa đó, chúng tôi – những cựu chiến binh – đến dự buổi lễ 40 năm cuộc chiến tranh biên giới”.
Khi ấy, ông Nguyễn Thái Long thấy lạnh lẽo, nghĩ rằng bao đồng đội mình đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc; nghĩ rằng họ chiến đấu dũng là thế, cần được nhiều người thế hệ sau biết tới và ghi ơn. Đó chính là lý do ông ấp ủ dự định viết cuốn sách.
Ông cho rằng nếu không viết ra những gì đã chứng kiến, ông như mắc nợ anh em đồng đội mình, mắc nợ nhân dân Cao Bằng đã sát cánh cùng chiến đấu, như có lỗi với con cháu mình vì đã để chúng không biết gì về Khau Chỉa, Tà Lùng, Vị Xuyên.
Sau, được nhà phê bình Văn Giá gợi ý, ông Nguyễn Thái Long tìm cách về quê Bố Hoan – Tiểu đoàn trưởng của tác giả giai đoạn 1975-1979 – để hoàn thiện cuốn sách. Trong sách, ông Nguyễn Thái Long viết: “Hồi đó cánh lính trẻ tôi toàn gọi ông là Bố Hoan vì ông đã trên 50 tuổi, đi bộ đội từ năm 1949 thời chống Pháp. Ông bộc trực, nghiêm khắc, nóng tính nhưng thương lính và hòa đồng, phong thái miệng nói tay làm hệt một lão nông tri điền”.
Tác giả Nguyễn Thái Long viết Tiếng vọng đèo Khau Chỉa để thuật lại câu chuyện của mình, của đơn vị mình, viết để tri ân, như thắp lên nén tâm nhang cho những người đã ngã xuống. Những tên người, tên địa danh ông giữ nguyên trong cuốn sách.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tin rằng những câu chuyện lịch sử mà ông Nguyễn Thái Long – một nhân chứng sống – chia sẻ sẽ được lưu truyền và được hậu thế ghi nhớ.
Một thời biên cương trong lửa đạn
Trong chuyến đi lần về ký ức nơi thấm đẫm máu những người chiến sĩ biên cương, những người lính Trung đoạn 567, tác giả Nguyễn Thái Long tìm đường gặp lại đồng đội cũ. Ông dành nhiều công sức để gặp gỡ, lắng nghe và ghi chép nhiều thông tin, tư liệu từ đồng đội.
Tiếng súng định mệnh bùng lên trên phòng tuyến đèo Khau Chỉa trong rạng sáng ngày 17/2/1979, bắt đầu cuộc chiến đấu oanh liệt nhưng cũng đầy bi thương trên mặt trận phía đông tỉnh Cao Bằng. Tác giả Nguyễn Thái Long khi đó thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 567 (Trung đoàn Phục Hòa-Khau Chỉa).
Trong ký ức về những trận đánh ở cầu Tà Lùng, cầu Hồng Định, bản Bó Tờ, bản Chàm, đèo Canh Man có hình ảnh vị tiểu đoàn trưởng Bố Hoan, người đã bắn những phát súng ngắn, chỉ huy chặn đánh đoàn xe tăng địch; có hình ảnh pháo thủ Hồ Tuấn đạp cò khẩu 14 ly 5 đỏ rực nòng súng khiến địch tháo chạy.
Người lính ngày nào thuật lại chi tiết những trận mai phục, đẩy lùi địch, hé lộ những chiến thuật đánh trả mưu trí của quân ta và cả những cuộc hành hình, sát hại mà kẻ địch gây ra.
Sau những ngày khói lửa ở Khau Chỉa, Trung đoàn 567 tiếp tục hành quân và chiến đấu ở Vị Xuyên (Hà Giang), nơi được mệnh danh là “lò vôi thế kỷ”.
Suốt tám tháng trời trong năm 1985, cuộc chiến diễn ra dưới trận mưa đạn pháo dữ dội của địch đã cày xới, xay vụn núi đá nơi đây, biến ngọn núi thành một “lò vôi” nham nhở. Rồi những trận giành giật ác liệt ở đồi A6B, đồi Đài, đồi Cô Ích, dãy Đá Pháp… với hàng hàng lũ lũ quân địch từ chân đồi xông lên và súng đạn quân ta từ trên cao khạc xuống, tác giả lần lượt chia sẻ, với nhiều chi tiết cụ thể, chân thực đến đau xót.
Tại buổi giao lưu ra mắt sách, PGS Lê Văn Cương khẳng định: “Chúng ta biết về lịch sử là để ghi công những người đã ngã xuống, những người đã chiến đấu… Sau này, con cháu chúng ta sẽ nhớ đến cuộc chiến này, nhớ đến cuốn sách gần 400 trang này”.
Câu chuyện trong Tiếng vọng đèo Khau Chỉa được viết với giọng văn không gọt giũa cầu kỳ, mà có phần thô ráp, đôi khi bắt gặp cả những câu chửi tục của người lính. Nhưng chính sự chân thực và giàu xúc cảm trong từng chi tiết đã tạo nên một trải nghiệm đọc mà theo lời PGS Lê Văn Cương là “cảm động trào nước mắt”. Ông nhận xét Tiếng vọng đèo Khau Chỉa là một tài liệu vô giá, cho thế hệ sau hiểu được ông cha mình đã chiến đấu như thế nào để bảo vệ đất nước.