Việt Nam sẽ là Quốc gia Tiêu điểm của Hội sách Thiếu nhi châu Á sắp tới tại Singapore. Đây là cơ hội để quảng bá xuất bản và văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Sách thiếu nhi Việt Nam đã có bề dày phát triển, với nhiều tác phẩm kinh điển như Dế mèn phiêu lưu ký, Đất rừng phương Nam, Góc sân và khoảng trời... Ngày nay, thị trường sách thiếu nhi nước ta phát triển đa dạng, nhiều loại hình sách mới, lạ và đẹp mắt.
Nhưng bộ mặt, sự phát triển ấy chưa thể hiện được ra thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho rằng không nhiều bạn bè quốc tế biết đến ngành xuất bản thiếu nhi của chúng ta, nhưng những ai đã biết thì đều đánh giá cao.
Nhân dịp Việt Nam trở thành Quốc gia Tiêu điểm trong Hội sách Thiếu nhi châu Á sắp diễn ra tại Singapore, ngày 13/4, Hội Xuất bản Việt Nam đã họp bàn kế hoạch tổ chức Đoàn Việt Nam tham gia Hội sách Thiếu nhi châu Á tại Singapore (25-27/5), quảng bá các tác phẩm thiếu nhi Việt Nam ra thế giới.
Đưa văn hóa Việt Nam ra quốc tế
heo ông Nguyễn Nguyên, người làm xuất bản Việt Nam trong những lần tham gia các hội sách quốc tế trước đây còn tản mát, chưa tập trung quảng bá sách Việt. Dịp hội sách này, ông khuyến khích các đơn vị chuẩn bị chu đáo, có thể phối hợp với nhau để cùng quảng bá xuất bản Việt.
Tham dự hội sách lần này, Hội xuất bản Việt Nam cùng các đơn vị sẽ dựng gian hàng, trưng bày những tác phẩm thiếu nhi đặc sắc, các ấn bản sách đặc biệt, sáng tạo, các thiết bị đọc sách…
Đoàn Việt Nam tham gia Hội sách Thiếu nhi châu Á sẽ có đại diện từ những nhà xuất bản nổi bật như Nhà xuất bản Thế giới, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam… các đơn vị làm sách như Nhã Nam, Đinh Tị…
Để quảng bá xuất bản Việt, đoàn sẽ tổ chức những nội dung thuyết trình về thị trường sách Việt Nam, về lịch sử văn học thiếu nhi ở Việt Nam… Trong đêm Việt Nam (27/5), đại diện của Hội Xuất bản Việt Nam sẽ có diễn văn phát biểu.
Tại đây, đoàn Việt Nam còn có hoạt động đọc sách – kể chuyện, dịch sách, giới thiệu ra thị trường quốc tế. Những tác phẩm trưng bày tại đây, sau hội sách, sẽ được Hội đồng sách Singapore đem đi quyên góp trẻ em nghèo.
Ngoài những nội dung, sự kiện chính, ba đơn vị – Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, công ty sách Nhã Nam – đã đăng ký làm thêm các chương trình để giới thiệu những điểm mạnh của sách thiếu nhi Việt. Ông Nguyễn Nguyên khuyến khích các đơn vị khác cũng tham gia, làm thêm sự kiện để các nước bạn thấy được sự phát triển của xuất bản Việt Nam.
Ông nói: “Các nước bạn chưa biết nhiều về xuất bản Việt, nhưng những ai đã biết thì đều đánh giá cao, vì vậy, chúng ta cần cố gắng thể hiện rõ diện mạo, sự phát triển của sách Việt”.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành kêu gọi các đơn vị xuất bản không trực tiếp tham dự Hội sách Thiếu nhi châu Á có thể gửi thêm sách hay, sách nổi bật, thể hiện bản sắc Việt Nam đến để trưng bày. Ông cũng góp ý sách giới thiệu nên có nội dung hiện đại, mang tính toàn cầu, cho thấy khuôn mặt Việt Nam hiện đại.
Kỳ vọng của người làm xuất bản
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, cũng đồng ý rằng gian hàng nên giới thiệu bản sắc thiếu nhi chung của Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Vũ Xuân Hoàn, đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng, gợi ý gian hàng và các standee, tờ rơi của Việt Nam nên có một hình ảnh chung, gây ấn tượng thị giác.
Trong buổi họp, nhiều đơn vị đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề quảng bá sách, bán bản quyền tại hội sách. Bà Lê Thị Mỹ Ái, biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng, chia sẻ dự định mang đi 10-15 đầu sách với nội dung có nhiều yếu tố văn hóa Việt Nam, đồng thời sẽ chọn các sách truyện dân gian Việt Nam để dịch, giới thiệu tại hội sách.
Hai tác giả Trang Nguyễn và Jeet Zdũng cũng sẽ tham gia Hội sách, để có những hoạt động giao lưu, chia sẻ xoay quanh tác phẩm Chang hoang dã (tác phẩm đoạt giải A Sách Quốc gia, được bán bản quyền dịch cho 8 quốc gia).
Bà Ngô Thu Ngần, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, cho biết sẽ mang đến Hội sách thiếu nhi châu Á những tựa sách/bộ sách do các tác giả và họa sĩ Việt Nam viết và vẽ cho thiếu nhi Việt Nam, đặc biệt có những tựa/bộ đã xuất bản song ngữ Anh-Việt.
Một vài cái tên được bà nhắc đến là Đấy là nó nghĩ thế (tác giả Trần Ngọc Anh Thư); bộ sách Kể chuyện khoa học – SCI-tales; tựa sách cẩm nang song ngữ Anh – Việt Readology: Đọc thế nào?…
Bà nói: “Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam mong muốn được trao đổi học hỏi chia sẻ kinh nghiệm làm sách cho thiếu nhi với các đối tác trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn cùng các nhà xuất bản và các đơn vị xuất bản trong nước giới thiệu sách thiếu nhi Việt Nam ra khu vực và thế giới, có thể bán bản quyền sách Việt Nam ra thế giới thay vì chỉ mua bản quyền của thế giới như trước đây!”.
Bà Trần Lê Thùy Linh từ Công ty sách Nhã Nam cho biết sách luôn là một cầu nối quảng bá văn hóa giữa các quốc gia tốt. Với hội sách lần này tập trung vào sách thiếu nhi – nhóm công dân nhỏ tuổi nhất, bà cho đây là một cơ hội tốt để hiểu thêm về ngành sách nước mình cũng như nước bạn.
Bà nói: “Sách của người lớn có thể có đa dạng chủ đề, mối quan tâm khác nhau, còn sách cho thiếu nhi thì các em có một sự đồng nhất hơn trong mối quan tâm của mình. Sách thiếu nhi trên toàn thế giới đều hướng về những nội dung nhân văn, nhân đạo, về con người nói chung”.
Bà mong rằng qua sự kiện này, người làm xuất bản Việt Nam sẽ hiểu hơn về các xu hướng xuất bản trên thế giới, đặc biệt là xuất bản sách thiếu nhi. Theo bà, xuất bản sách thiếu nhi luôn bao gồm cả nội dung và hình thức. Trong khi các nội dung cho thiếu nhi thường đồng nhất và phổ quát, thì hình thức sách thiếu nhi lại đa dạng từ cách thức minh họa đến cách sản xuất sách như làm sách pop-up, sách đa phương tiện…
Bà nhận định: “Trẻ em ngày nay không chỉ có sách, mà còn có máy tính, các thiết bị điện tử để giải trí. Vì vậy, sách cũng cần được nghiên cứu, thay đổi sao cho thu hút trẻ em”.