Thuở nhỏ, vào ngày 23 tháng Chạp, ngày tiễn Ông Công, Ông Táo về trời, tôi vẫn thường giúp cha mẹ lau dọn bàn thờ, bao sái bát hương.
Buổi sáng, trước khi bao sái, cha tôi thường thắp hương, đọc văn khấn để xin phép quan thần linh, thổ địa. Chổi quét, khăn lau, bao giờ cha tôi cũng dùng riêng, sạch và mới. Nước lau cũng phải thanh khiết. Đầu tiên là lau bằng nước mưa. Sau đó mới dùng rượu trắng pha với gừng giã nhỏ hoặc nước ngũ vị hương lau cho thơm, cho sạch. Ông luôn dặn tôi làm một cách chậm rãi, cẩn trọng, nhẹ nhàng với cái tâm đầy thành kính. Đặc biệt khi lau bài vị, bát hương, bàn tay trái bao giờ cũng giữ chặt, tay phải cầm khăn nhẹ nhàng lau để tránh bát hương bị xê dịch, sợ “động”, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống con cháu trên trần. Tất cả chân hương thắp trong năm, cha tôi rút bớt, chỉ để lại ba hoặc năm chân nhang, sau đó hóa cùng tiền vàng.
Cha tôi cũng thường giải thích về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày cúng Ông Công, ông Táo. Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt chuyển hóa thành sự tích “hai ông một bà”, là vị thần Đất, thần Nhà và vị thần Bếp núc. Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của Ông Táo và thờ cúng Ông Táo với hy vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Ông Táo quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện tốt, xấu của mọi người. Để vua bếp phù hộ cho gia đình sang năm mới gặp nhiều may mắn, người Việt đã làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng.
Ngày 23 tháng Chạp đã ăn sâu bám rễ vào nếp sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam từ nghìn năm nay. Con người là sản phẩm của thiên nhiên. Thổ Thần, Thổ Địa và Thổ Kỳ là nguồn năng lượng cho mỗi chúng ta và gia đình. Thổ Công mang năng lượng khí thiên tiên. Thần linh mang năng lượng âm tính còn Táo quân vua bếp là năng lượng dương tính. Trong vòng tròn đạo có cả âm và dương. Nếu trong một gia đình, ba lượng khí này, ba ông thần thổ công, thần linh và Táo quân vua bếp cân bằng hài hòa thì ngôi nhà ấy âm dương đươc cân đối, chính khí được điều hòa, rất tốt.
Trong khi cha con tôi bao sái bàn thờ thì mẹ ra chợ làng mua sắm thức ăn về làm mâm cơm cúng. Mẹ tôi luôn tin “trần sao âm vậy”. Khi sống cần những gì thì chết cũng cần những thứ ấy. Cùng với năm thức cúng phổ biến “hương, hoa, trà, quả, thực” thì lễ vật không thể thiếu trong ngày 23 tháng Chạp là cá chép.
“Tại sao chỉ cúng cá chép mà không phải là voi, ngựa?”, tôi hỏi mẹ. Bà bảo: “Tổ tiên người Việt rất quan tâm đến vấn đề âm – dương. Nam chủ về dương. Nữ chủ về âm. Cho nên tạo hóa sinh ra ba vị thần bếp. Chủ dương là hai ông thần và một cụ bà mang điện tích âm. Tất cả các loài bơi dưới nước cũng mang điện tích âm. Vì thế, khi cúng ông Táo, ông Táo, người ta cúng cá chép. Các vị thần chủ dương kết hợp với một vật dẫn mang điện tích âm – cá chép vượt vũ môn và tốc độ của các vị thần sẽ đến cõi trời rất nhanh”.
Một trong những điều tôi thích làm nhất trong ngày tiễn ông Công ông Táo là theo mẹ ra sông, ra hồ thả cá chép. Mẹ dặn dò: Tuyệt đối không được đứng trên thành cầu hay các điểm cao để ném, quăng cá xuống vì làm như vậy cá sẽ chết. Con hãy tìm khúc sông trong, từ từ nghiêng chậu cho cá tự bơi ra hoặc đặt vào lòng bàn tay rồi thả nhẹ nhàng xuống. Sau khi thả cá nên lưu lại một chút xem cá đã bơi khuất chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt hoặc chưa kịp định hướng nên bơi ngược, bị xô dạt lại vào bờ. Khi phóng sinh cần chọn nơi ít người câu cá để tránh lòng tham của những người săn bắt.
Sau này, trưởng thành, lập nghiệp ở Hà Nội, cứ đến 23 tháng Chạp, tôi lại thực hiện những nghi lễ mà cha mẹ đã chỉ dạy năm xưa.
Nhưng kể từ năm 2013, khi được theo chân thiền sư Thích Nhất Hạnh trong chuyến hoằng dương đạo Phật dọc nước Mỹ, được nghe giảng pháp, thực hành thiền định, tôi đã giác ngộ ít nhiều. Vì thế, tôi bắt đầu điều chỉnh một số nghi thức. Ví như trước đây, nhiều người quan niệm rằng, phải chờ sau ngày 23 tháng Chạp, tức là khi ông Công, ông Táo đã về chầu trời thì mới được dọn dẹp bàn thờ, nếu không sẽ gây kinh động đến thần linh. Theo tôi, đây là sự mê tín. Chúng ta có thể lau chùi bàn thờ quanh năm, nếu thấy có bụi bẩn. Cá nhân tôi là một Phật tử, hầu như ngày nào tôi cũng ngồi thiền, tụng kinh. Và vì thế, tôi lau chùi bàn thờ gia tiên mỗi ngày.
Tôi cũng không thả cá chép, cúng mặn nữa. Bởi nếu thả cá chép với mục đích phóng sinh mà vô tình gây bao hệ lụy như cá chết hàng loạt do thả từ trên cầu xuống, ô nhiễm môi trường do túi ni lông vứt bừa bãi trên bờ, thì cúng chay mới chính là biểu hiện cao nhất của phóng sinh.
Vàng mã tôi cũng không đốt nữa. Bởi tôi hiểu, người chết ở cõi âm chỉ cần phước đức thôi. Có phước đức, họ mới sớm siêu thoát về cõi lành. Do đó, nếu chúng ta thương người mất thì hãy làm đồ chay tiến cúng, tụng kinh niệm Phật, làm lễ cầu siêu, làm việc phước hồi hướng cho họ… Nếu đem tiền của để phí phạm vào những việc đốt vàng mã thì dù có đốt đi trăm nghìn tờ giấy bạc, nhà lầu, xe hơi cũng chỉ vô ích mà thôi.
Vì thế, với tôi, việc lễ nghi tốt nhất là ở tâm. Bàn thờ linh thiêng nhất cũng là ở tâm – một cái tâm thanh tịnh chứa đầy hiểu biết và thương yêu. Thiền sư Thích Nhất Hạnh dạy rằng: Tổ tiên không nằm ở bên ngoài ta mà ở bên trong ta, trong mỗi tế bào cơ thể. Vì thế, tâm ta an, tổ tiên cũng an. Tâm ta hạnh phúc, tổ tiên cũng hạnh phúc.
Tác giả: Hoàng Anh Sướng