Tôi được một chị (giáo viên) cho lời khuyên: Đọc sách cho con nghe là điều cần thiết, muốn con cái thành tài thì cần rèn luyện việc này cho con ngay khi ở tuổi mẫu giáo.
Rất thú vị! Tôi cũng đã nghe báo chí hay truyền hình vẫn thường khuyên như thế. Ai cũng biết thói quen đọc sách là tốt, nhưng đọc như thế nào với trẻ nhỏ lại là vấn đề cần bàn, nếu không, các bậc phụ huynh rất dễ rơi vào một cuộc đua thành tích mới.
Đọc là… chơi
Khi con gái tôi chào đời cũng là lúc sóng truyền hình tràn ngập những chương trình “siêu nhí tranh tài”. Ở đó, rất nhiều cô cậu bé có khuôn mặt sáng láng phô diễn những tài năng vượt trội và nhận được hàng loạt lời khen từ giám khảo lẫn cộng đồng. Có bé hát hay, có bé có trí nhớ cực tốt, có bé tính nhẩm siêu nhanh…
Một cách vô hình, tôi cũng mang một khát vọng. Tôi mơ đến một ngày con gái mình sẽ đứng trên bục sân khấu đó, còn tôi thì được ngồi xem với ánh mắt đầy tự hào. Rồi tôi tìm mua hàng loạt đầu sách, từ cách dạy con của người Nhật đến cách chăm con của người Do Thái, cả cách chăm sóc của các bà mẹ Việt có con thành tài.
Có lúc, tôi đặt mua cả các đầu sách “siêu trí tuệ”, sách về “thiên tài” để đọc cho con nghe và cũng để dành đó sau này con sẽ đọc dần. Tôi nhận ra sách loại này thường có hai điểm chung: thứ nhất là tên sách khá “kêu”, như Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn, Cha mẹ thông minh dạy con tinh tế, Tuyệt đỉnh dạy con, Mẹ Nhật dạy con thành tài trước 12 tuổi…; thứ hai là đều nhấn mạnh việc cần thiết đọc sách cho trẻ nghe đều đặn mỗi ngày.
Và tôi đã thử làm điều này từ sớm, từ lúc con chưa tập đi, đến lúc bé bập bẹ nói, và nay là vào mẫu giáo. Tôi chợt nhận ra việc đọc sách cho con nghe không nên gắn với bất kỳ mục đích nào kiểu như muốn con thành tài, thành người tinh tế hay trí tuệ.
Với con trẻ, chuyện đọc sách chỉ là một kiểu chơi, đơn giản vì con… chưa biết đọc, càng chưa hiểu gì về văn hóa đọc, cũng chưa cần những “mục đích cao cả” như bố mẹ. Con trẻ chỉ sống trong hiện tại với những niềm vui của tuổi thơ cùng với gia đình khi ở nhà, với bạn bè, cô giáo lúc ở trường.
Trên một trang nhóm của những người yêu sách có nhiều bài viết phân tích lợi ích của việc đọc sách cho con nghe. Cũng như những cuốn sách nêu ở trên, tác giả các bài viết thường nhấn mạnh cần thiết đưa vào khuôn khổ việc đọc sách cho con nghe (là một cách nói tránh của việc ép đọc sách), kèm theo đó là những câu chuyện thành tài của người ham đọc sách. Như vị phụ huynh tôi nhắc ở đầu bài, cô chia sẻ rằng mỗi ngày cô đều đọc sách cho con nghe vào đúng giờ, đúng thời lượng và con phải nghe dù thích hay không.
Điều này thoạt nhìn thì thấy đó là thói quen tốt, nhưng sâu bên trong, nó trở thành cuộc chạy đua giữa phụ huynh: ai (và con của ai) đọc sách nhiều nhất, những đầu sách nào đã được đọc, thậm chí cả việc thuộc lòng tên tác giả sách, hay kể vanh vách các chi tiết trong những tác phẩm kinh điển… Rốt cuộc, phụ huynh bị áp lực, còn những đứa trẻ bị ép nghe, ai dám chắc chúng không chịu áp lực – nguồn cơn của việc chán sự đọc, chán nản với sách?
Với kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy việc con trẻ nghe đọc sách là nghe để… chơi. Và có lẽ phụ huynh chúng ta cũng nên như thế: xem chuyện đọc sách cho con nghe là chuyện chơi với bé. Bởi nếu đặt nặng vấn đề đọc sách để đạt được điều gì đấy, việc đọc sẽ trở nên một công việc mệt nhọc. Đọc sách cho con chỉ tốt đẹp khi chúng ta tạo được niềm hứng thú cho trẻ: đọc là… chơi.
Tình yêu với sự đọc bắt nguồn từ bố mẹ
Quả thật, khi quan sát những bé con trong các gia đình có điều kiện tiếp cận nhiều với sách, dễ thấy các bé coi sách không khác gì một món đồ chơi. Có bé vẽ lên sách, có bé cắt, xé giấy từ sách, xếp thành đồ chơi… Tôi tự hỏi, ở lứa tuổi ấy mà ép các bé phải ngồi (nghe) đọc sách, nhất là lại phải đúng giờ, đúng lịch đã lên, thì liệu có là điều phi lý cần tránh?
Ngoài ra, nếu để tập cho con thói quen đọc sách, phụ huynh chúng ta cần chuẩn bị tinh thần… không bức xúc. Vì trong quá trình này, ta phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi “ngớ ngẩn”. Trẻ sẽ hỏi đi hỏi lại đến mức ta… phát bực, chỉ muốn gập sách lại. Nhưng đó mới chính là tín hiệu đáng mừng: con đang tìm hiểu về thế giới qua những gì nghe được, và ta cần kiên nhẫn trả lời con một cách từ tốn, nhẹ nhàng. Quá trình khám phá này nếu được bố mẹ đáp ứng thỏa mãn, con sẽ thêm yêu thích sách.
Một điều quan trọng nữa để gầy dựng niềm yêu thích đọc sách cho con cái là bố mẹ phải thực sự thích đọc sách. Tôi từng ngạc nhiên khi thấy bạn bè cùng trang lứa nay đã lên chức phụ huynh chịu đầu tư những cuốn sách tiền triệu cho con cái mới ở lứa tuổi mầm non. Tủ sách trong nhà bạn khá hoành tráng nhưng rất nhiều cuốn còn “mới cóng” vì bố mẹ không đọc; con thì chỉ chơi với một số cuốn vài lần là bỏ. Rốt cuộc, tủ sách đẹp cũng như tủ rượu, chỉ để trưng, để thỏa mãn cái tôi của phụ huynh.
Suy cho cùng, sự đọc của con nhỏ nên bắt nguồn từ tình yêu thương và chính trải nghiệm của bố mẹ. Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình, chúng ta chỉ có thể dạy con yêu thích đọc sách khi chính chúng ta thực sự tìm thấy niềm vui từ việc đọc hàng ngày.