Tác giả: Dan Senor & Saul Singer
“Quốc gia khởi nghiệp – Câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel” là quyển sách bàn về hai chủ đề chính đó là sự cách tân đột phá và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cũng như những nhân tố, hệ sinh thái đã và đang giúp một tiểu quốc như Israel có thể đạt được cả hai yếu tố đó.
Như Nguyên tổng thống Israel – Shimon Peres đã viết lời giới thiệu quyển sách này như sau: “Cuốn sách các bạn đang cầm trên tay, Quốc gia khởi nghiệp, là một liều thuốc giác ngộ. Đây có thể được xem như bản tóm lược về lịch sử của Israel, một đất nước mà bản thân nó lúc nào cũng trong giai đoạn khởi nghiệp”.
Nói một chút về đất nước này, Israel là quốc gia tuy còn non trẻ, một đất nước nhỏ bé khoảng 8 triệu dân, diện tích hai phần ba là sa mạc, phần còn lại là đất đá cằn cỗi, tài nguyên bằng không, láng giềng thì thù địch, thiếu nhân lực, thiếu ngân sách, thiếu nước trầm trọng lại có thể tạo ra sự tăng trưởng đột phá hơn 50 lần trong vòng 60 năm, trung tâm công nghệ cao của thế giới, nơi tạo ra những công nghệ chi phối toàn cầu trong các lĩnh vực, số lượng công ty của Israel có tên trên sàn chứng khoán của NASDAQ nhiều hơn tất cả công ty của châu Âu cộng lại.
Vậy điều gì đã tạo nên sự thần kỳ của đất nước này đến vậy?
Liệu có phải bởi vì dân tộc Do Thái là dân tộc thông minh nhất thế giới nên tạo nên sự thần kỳ của Israel?
Liệu đây có phải là do vùng đất chúa chọn?
Đó là những điều nhiều người đã nghĩ đến Israel nhưng quyển sách này đã cho chúng ta những góc nhìn hoàn toàn khác.
Hai tác giả Dan Senor và Saul Singer đã dành rất nhiều thời gian công sức để phỏng vấn các nhân vật xây dựng đất nước từ thuở sơ khai, cũng như những doanh nhân tài ba của Israel thời đầu và cùng với lợi thế là người trong cuộc, nên hai tác giả đã đưa ra góc nhìn rất chân thật, chi tiết về lịch sử, con người của đất nước này qua những câu chuyện thực tế. Và đây là một quyển sách không chỉ là bài học sâu sắc về khởi nghiệp mà còn cho chúng ta một góc nhìn rộng hơn để hiểu về văn hóa, lịch sử, con người của Israel.
Sau đây là ba bài học mà Openedu muốn chia sẻ đến bạn đọc để có thêm những góc nhìn tham khảo trước khi đọc quyển sách tuyệt vời này:
Nghịch cảnh là một cơ hội , không chỉ đương đầu mà hãy tận dụng nó.
Israel đã dựng nên một đặc tính khác thường: khả năng không chỉ đương đầu mà còn tận dụng mọi nghịch cảnh – từ việc thiếu thị trường nội địa và khu vực, sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, cho đến một loạt sự tẩy chay và các cuộc tấn công. Ngay cả những phương pháp quân sự tồi tệ nhất lại được Israel vận hành xuất sắc vì họ không còn sự lựa chọn nào khác.
Tinh thần doanh nhân của Israel
Người Israel có một thuật ngữ để có thể diễn tả sự gan góc của các doanh nhân Israel là từ “Davka” một từ Hebrew nó bao gồm “sự bất chấp” kèm một chút chế nhạo đối thủ bằng “động tác ngoáy mũi”, giống như nói rằng: “chúng càng tấn công ta bao nhiêu, ta sẽ càng thành công bao nhiêu. Bởi vì luôn sống trong khu vực thù địch bao vây, đối mặt với sống còn, chiến tranh nổ ra thường xuyên nên đã tạo nên những doanh nhân, chiến binh mà khó có quốc gia nào có được, họ có thể làm việc, hoàn thành nhiệm vụ, sản xuất và làm việc ngay cả chiến tranh đang nổ ra, đầu đạn trên đỉnh đầu.
Đây là một trích dẫn từ sách để thể hiện tinh thần này: “ Tôi hiểu sự ngờ vực của ông. Tôi cũng đã xem tin tức. Nhưng đừng quên Intel đã sản xuất bộ vi xử lý 386 – một trong những bộ vi xử lý quan trọng nhất của Intel tại Israel trong suốt cuộc chiến vùng Vịnh, và người Israel chưa từng bỏ lỡ một nhịp nào. Họ luôn kế hoạch. Họ chưa từng trễ hạn dù chỉ một lần ngay cả khi tên lửa đang dội xuống đầu.”
Sự gan góc của Israel, khả năng chịu áp lực, định hướng nhiệm vụ, tinh thần “bất chấp” của các doanh nhân trên chiến trường của Israel
Văn hóa là chìa khóa cốt lõi tạo nên sự thành công của quốc gia
Trở thành doanh nhân khởi nghiệp là chuẩn mực trong xã hội Israel ngày nay. Rõ ràng văn hóa đóng vai trò sinh tử trong công cuộc phát triển quốc gia. Văn hóa tranh luận đến cùng, không phân chia cấp bậc ngay cả trong quân sự cũng như là dân sự, văn hóa “phượt thủ”, văn hóa “khoan dung” hay gọi là “thất bại có tính xây dựng”, thẳng thắn và sự lịch thiệp không hiện diện tại quốc gia này, thậm chí còn thô lỗ, họ có thể tranh luận các vấn đề để tìm giải pháp ngay cả trong chiến tranh đang diễn ra, có thể tranh luận với sếp, với các cấp bậc cao hơn trong quân đội… Một nét văn hóa “đậm chất Israel”.
TRÍCH DẪN SÁCH:
“Cùng với sự ra đời của Nhà nước Israel, lời nguyện cầu vĩ đại đó đã được gieo vào vùng đất nhỏ bé: Đất đai cằn cỗi, láng giềng thù địch. Hành trình cổ xưa từ Ai Cập đến Israel, dân tộc Do Thái chúng ta đã phải băng qua sa mạc khổng lồ, thì nay, khi quay về, ngôi nhà của chúng ta vẫn là hoang mạc. Chúng ta đã phải xây dựng mọi thứ từ đầu. Như những con người nghèo khó trở về ngôi nhà trên mảnh đất tồi tàn của mình, chúng ta phải khám phá sự giàu có trong sự kham hiếm.” – Shimon Peres (Nguyên Tổng thống Israel)
“Quản lý 5 nhân viên người Israel luôn khó khăn hơn 50 người Mỹ. Vì người Israel luôn thử thách bạn mọi lúc “– bắt đầu bằng những câu hỏi như “Tại sao ông là sếp của tôi; tại sao tôi không phải sếp của ông?”
“Nói như tác giả người Israel, Amos Oz, đạo Do Thái cùng nước Israel đã nuôi dưỡng một văn hóa tranh cãi và nghi ngờ, một trò chơi bất tận của diễn giải và phản biện, tái diễn giải và phản biện độc lập. Kể từ ngày đầu tồn tại, nền văn minh Do Thái đã nổi tiếng bởi tính ưa tranh cãi của mình”.
Thông tin thêm:
Quyển sách đã đang được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới: Singapore, Ấn độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Đức, Pháp, Ý, Nga, Bồ Đào Nha, Do Thái, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả -rập, Việt Nam… Nó cũng là quyển sách bán chạy nhất tại Singapore và Ấn Độ. Vào năm 2010 “Quốc gia khởi nghiệp” được xếp vào top 10 danh sách bán chạy nhất của The New York Time, lọt vào danh sách bán chạy nhất của Tạp chí phố Wall. Điều đó cho chúng ta thấy rằng sự quan tâm của các độc giả trên thế giới về bài học sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp của Israel được đón nhận nồng nhiệt.